top of page

Chùa Bái Đính Ninh Bình - Khám phá ngôi chùa nhiều kỷ lục nhất

Chùa Bái Đính là một quần thể chùa lớn với nhiều kỷ lục châu Á và Việt Nam được xác lập như chùa có tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á, có tượng Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á... Đây là ngôi chùa lớn nhất và sở hữu nhiều kỷ lục nhất ở Việt Nam.

Toàn cảnh chùa Bái Đính
Toàn cảnh chùa Bái Đính


Toàn cảnh chùa Bái Đính
Toàn cảnh chùa Bái Đính


Giới thiệu về chùa Bái Đính Ninh Bình

Lịch sử chùa Bái Đính

Giới thiệu về chùa Bái Đính – Hơn 1000 năm về trước, khu du lịch văn hóa tâm linh chùa Bái Đính Ninh Bình là nơi đóng đô tạm thời của nhà Đinh. Dưới thời Lý, Quốc sư Nguyễn Minh Không đã dựng chùa tu hành, làm thuốc chữa bệnh cứu người, đặc biệt là việc chữa bệnh hóa hổ cho vua Lý Thần Tông.


Từ xưa, chùa đã là một trong những trung tâm Phật giáo (thờ Phật), đạo giáo (thờ thần Cao Sơn), tín ngưỡng thờ Mẫu (mẫu Liễu Hạnh). Đến ngày nay, các đền, phủ được phục dựng bao gồm 21 hạng mục chính, với hai ngôi chùa: chùa Bái Đính cổ và chùa Bái Đính mới.


Trụ trì chùa Bái Đính là ai?

Trụ trì chùa là Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu – Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hòa thượng Thích Thanh Nhiễu cũng là trụ trì chùa Tam Chúc (Hà Nam).

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu


Phó trụ trì chủa là Thượng tọa Thích Minh Quang – Phó Chánh văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, thượng tọa Thích Minh Quang cũng là phó trụ trì chùa Tam Chúc (Hà Nam).

Thượng tọa Thích Minh Quang
Thượng tọa Thích Minh Quang

Chùa Bái Đính ở đâu?

Khu du lịch văn hóa tâm linh chùa Bái Đính Ninh Bình thuộc khu Quần thể Danh thắng Tràng An, nằm trên địa bàn xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, cách Cố đô Hoa Lư 7km và cách thành phố Ninh Bình 15 km.


Núi Bái Đính là điểm khởi đầu của sơn hệ đá vôi Hoa Lư ở phía Tây Bắc và cũng là phần chân của dãy Hymalaya, nơi khởi nguồn của đạo Phật. Các ngọn núi trong sơn hệ có độ cao trung bình từ 70-170m.


Với độ cao 187m, núi Bái Đính là ngọn núi cao nhất vùng, còn được gọi là là núi chủ/ núi chúa của sơn hệ đá vôi Hoa Lư. Núi Bái Đính, theo cách giải thích dân gian có nghĩa là: núi có lễ bái trên đỉnh cao.

Phật Di lặc Chùa Bái Đính
Phật Di lặc Chùa Bái Đính

Diện tích chùa Bái Đính

Khu du lịch tâm linh chùa Bái Đính rộng tổng 539 ha (riêng chùa Bái Đính cổ rộng 27 ha, chùa Bái Đính mới mới 80 ha).

Địa chỉ chùa Bái Đính

Địa chỉ: tọa lạc tại xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.


Bản đồ chùa Bái Đính

Để đến vãn cảnh, hay đi du lịch chùa Bái Đính, bạn có thể dùng Google Maps để tìm bản đồ đường đi. Đây là khu du lịch tâm linh rất nổi tiếng nên đường xá đi lợi rất thuận lợi, thông tin rõ ràng. Người dân địa phương không ai không biết, nên bạn có nhiều cách để tìm đường đến chùa.

Bản đồ chùa Bái Đính
Bản đồ chùa Bái Đính

Sơ đồ tham quan chùa Bái Đính

Sơ đồ tham quan chùa Bái Đính
Sơ đồ tham quan chùa Bái Đính

Kiến trúc chùa Bái Đính

Chủ trì thiết kế kiến trúc chùa Bái Đính là Giáo sư, Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính - Phó Chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam, nguyên Giám đốc Trung tâm thiết kế và tu bổ di tích Trung ương (Viện Bảo tồn di tích Việt Nam). Chùa Bái Đính mới (Bái Đính tân tự) có diện tích rộng 80 ha, nằm phía bên kia núi so với chùa cổ và ở phía tây cố đô Hoa Lư. Đây là một công trình lớn gồm nhiều hạng mục, kiến trúc chính: điện Tam Thế, điện Pháp Chủ, điện Quan Âm, Bảo Tháp, Tháp Chuông, Tượng phật Di Lặc và các công trình hạ tầng, phụ trợ, khu học viện Phật giáo, khu đón tiếp, Tam quan ngoại, Tam quan nội... được xây dựng trong nhiều giai đoạn khác nhau.


Kiến trúc khu chùa mới nổi bật với những hình khối lớn, hoành tráng mang đậm dấu ấn kiến trúc Việt Nam như sử dụng nguyên vật liệu chính ở địa phương (đá xanh Ninh Bình, gỗ tứ thiết), ngói men Bát Tràng màu nâu sẫm... Điều khác biệt nhất ở kiến trúc chùa Bái Đính thể hiện ở vòm mái màu nâu sẫm cong vút hình đuôi chim phượng, nó không giống với nét thẳng thô của chùa Trung Quốc. Các chi tiết trang chí kiến trúc chùa cũng mang đậm dấu ấn của các làng nghề truyền thống nổi tiếng ở Việt Nam. Chùa Bái Đính khi xây dựng được gọi là "đại công trường" với 500 nghệ nhân gồm rất nhiều tổ thợ đến từ những làng nghề nổi tiếng như mộc Phúc Lộc, trạm khắc đá Ninh Vân, đúc đồng Ý Yên, thêu ren Văn Lâm, sơn mài Cát Đằng, trạm bạc Đồng Xâm... các nghệ nhân này được sử dụng các vật liệu địa phương như gỗ lim, đá xanh Ninh Bình, ngói men Bát Tràng... để tạo ra nét thuần Việt trong kiến trúc chùa Bái Đính.

Điều đặc biệt ở công trường xây dựng chùa Bái Đính là không gian nơi đây luôn mở. Ngay từ khi xây dựng với đại tượng Phật còn đặt ở ngoài trời đã thu hút rất đông các đoàn người hành hương chiêm bái. Du khách có thể đi bất cứ nơi nào để quan sát các bộ phận công trình đang hình thành.


Đặc điểm kiến trúc: Về vật liệu, hệ thống cột và kèo ở cổng Tam Quan, hành lang La Hán và điện Quan Âm được làm bằng gỗ tứ thiết, các công trình lớn hơn làm bê tông giả gỗ. Tất cả các mái sử dụng ngói men Bát Tràng, kiến trúc ba tầng mái cong vút hình đuôi của chim phượng. Về bố cục các kiến trúc chính như cổng Tam Quan, tháp chuông, điện Quan Âm, điệp Pháp Chủ, điện Tam Thế lần lượt có chiều cao đỉnh mái là 16.5 m, 22 m, 14.8 m, 30 m, 34 m với diện tích bên trong là 560 m², 225 m², 730 m², 2060 m² và 2370 m².


Giá vé xe điện và tham quan trong chùa Bái Đính

Dịch vụ

  • Vé xe điện: 60.000 vnđ/người

  • Vé tham quan Bảo tháp: 50.000 vnđ/người

  • Giá vé hướng dẫn viên: 300.000 vnđ/tour

Chùa Bái Đính có mở cửa không?

Chùa Bái Đính đã mở cửa chưa? Chùa Bái Đính tết có mở cửa không?

Cập nhật đến ngày 8/4/2023, chùa Bái Đính đã mở cửa trở lại đón du khách thập phương và phật tử đến chiêm bái, vãn cảnh.


Lễ hội chùa Bái Đính

Mùng 6 tháng Giêng hàng năm (mùng 6 Tết Nguyên đán), chùa Bái Đính có tổ chức lễ khai hội hay còn gọi là Lễ hội chùa Bái Đính. Tuy nhiên, vì dịch Covid nên Lễ hội 2020, 2021 không tổ chức.


Kinh nghiệm đi chùa Bái Đính

Thời gian đi vãn cảnh chùa Bái Đính Tràng An thích hợp nhất?

Nếu muốn tận hưởng không khí lễ hội, sự nhộn nhịp của dòng người đi du xuân đầu năm, bạn có thể lựa chọn đi chùa từ tháng 1 đến tháng 3 âm lịch.


Đây cũng là lúc thời tiết mùa xuân ấm áp – thời điểm khá đẹp cho những chuyến hành hương, làm lễ đầu năm tại Bái Đính Tràng An. Bạn có thể kết hợp du xuân vãn cảnh, lễ chùa cầu bình an và tham gia các lễ hội ở Tràng An và Bái Đính.


Nếu như lễ hội Tràng An băt đầu từ 17/3-21/3 âm lịch thì lễ hội chùa Bái Đính vào ngày đầu năm mới mùng 6 tháng Giêng âm lịch.

Với kinh nghiệm đi chùa Bài Đính, mình khuyên bạn nên lưu ý rằng, đây cũng là mùa du lịch lễ hội cao điểm nên khách tham quan tới đây rất đông đúc, đôi lúc gây ra tình trạng quá tải, chen chúc.

Vì thế, nếu muốn tận hưởng sự thanh tịnh, bạn có thể tham quan chùa và du lịch Tràng An vào những khoảng thời gian khác trong năm. Nhìn chung, vào mỗi mùa, chùa Bái Đính – Tràng An đều mang những vẻ đẹp riêng, nhưng thú vị hơn cả là không khí khung cảnh lãng mạn nên thơ vào mùa Thu.

Hình ảnh chùa Bái Đính – hành lang La Hán
Hình ảnh chùa Bái Đính – hành lang La Hán

Đi chùa Bái Đính cần chuẩn bị gì và lưu ý điều gì?

Khi đến tham quan, vãn cảnh chùa, du khách lưu ý mặc những trang phục kín đáo, lịch sự, không thắp hương quá nhiều và bỏ rác đúng nơi quy định. Dịp đầu năm, người đến hành hương đông, du khách nên chủ động bảo quản tài sản cá nhân, tránh thất lạc đồ đạc.


Về trang phục: Không gian, diện tích chùa rất rộng, du khách sẽ phải đi bộ, leo núi, do đó, nên sử dụng những đôi giày thể thao, đế phẳng, cao su, thoải mái thay vì đi giày cao gót để bảo vệ đôi chân cũng như thuận tiện cho việc di chuyển.


Trang phục khi vào nơi hành lễ cần kín đáo, trang nghiêm. Nếu mặc những bộ đồ phục vụ chụp ảnh check in cần quây kín bằng vải, áo phật tử… trước khi vào lễ.


Dịp đầu xuân thường có mưa phùn lất phất, do đó bạn nên mang theo một chiếc ô dự phòng. Vào mùa hè cần mang theo các phụ kiện chống nắng: áo, mũ, nón, kính mát, nước…. Vào mùa Đông ăn mặc ấm.


Nhớ mang theo tiền lẻ khi đi lễ nếu như bạn muốn làm công đức hay quyên góp cho chùa. Tránh bỏ tiền lên các tượng phật làm mất mỹ quan khu chùa, thay vào đó nên để vào các hòm công đức.

Về đồ làm lễ: Lễ chùa quan trọng là thành tâm và các hành động làm thiện thực tế trong cuộc sống hàng ngày, thế nên đồ lễ chùa nên chuẩn bị một cách tinh tế, gọn gàng, không quá phô trương, và đặc biệt chú ý đồ lễ là đồ thuần chay như: hoa quả, bánh oản, nước, hương nến…


Lưu trú tại khách xá Bái Đính

Khách xá Bái Đính tọa lạc trong khuôn viên chùa, được xây dựng với kiến trúc cổ kính và sang trọng, mang đậm nét Á Đông cổ điển.


Nằm giữa không gian yên tĩnh hùng vĩ của thiên nhiên núi non, Khách xá Bái Đính là nơi lý tưởng cho khách du lịch thập phương nghỉ dưỡng, hội họp và tham quan chiêm bái chùa Bái Đính.

Khách xá Bái Đính được thiết kế với các vật liệu tông màu trầm mang dáng dấp của chốn trang nghiêm thanh tịnh cùng nội thất được làm từ các loại gỗ quý hiếm, bước tới nơi đây như lạc vào một thế giới êm dịu và thư thái tuyệt đối.


Nghỉ dưỡng ở đây bạn sẽ có cảm giác những mệt mỏi bức bối của cuộc sống hiện đại bỗng chốc bị xua tan, hòa mình vào vẻ đẹp trong lành của thiên nhiên, thoảng nghe tiếng chuông chùa vang vọng

Khách xá Bái Đính
Khách xá Bái Đính

Nếu không thích di chuyển xa với các địa điểm du khác của tỉnh Ninh Bình, các bạn có thể cân nhắc việc lựa chọn ở trong một số homestay ngay gần Tràng An hoặc trung tâm thành phố Ninh Bình.

Cách nhanh nhất là đặt phòng trên Agoda, có rất nhiều phương án để các bạn lựa chọn như: khách sạn, homestay, resort, khách xá Bái Đinh…


Thuyết minh về chùa Bái Đính

Chùa Bái Đính cổ

Giếng Ngọc

Giếng Ngọc có diện tích xung quanh 6000m2, đường kính 30m, độ sâu 10m, mực nước 6-7m, bao quanh có 4 lầu bát giác và nước giếng có màu xanh ngọc bích, mạch nước tự nhiên từ xưa đến nay chưa cạn bao giờ mặc dù nằm trên địa hình cao.


Cổng Tam quan chùa Bái Đính

Trong hành trình du lịch chùa Bái Đính Ninh Bình, bạn sẽ đi qua cổng Tam quan, có đề bốn chữ Hán “Minh đỉnh danh lam”. Tương truyền, đây là bốn chữ được vua Lê Thánh Tông (1460-1496) đề tặng và một bài thơ tứ tuyệt bằng chữ Hán.

Minh đỉnh danh lam có nghĩa là: Đây là ngôi chùa thờ Phật rất đẹp và có giá trị, xứng đáng được ghi vào minh văn khắc trên đỉnh đồng để ai cũng biết.


Dịch thơ về chùa Bái Đính:

Đính Sơn danh tiếng thực cao xa

Che chở kinh thành tự thuở xưa


Bài thơ chữ Hán vua tặng như sau:

Minh đỉnh danh lam

Đính Sơn độc chiếm nhất danh cao

Bảo chướng Hoàng đô tự tích trào/triều

Nhật kiệt địa linh chung vượng khí

Huyền sơn mỹ lệ tráng kim âu

Nhân kiệt, địa linh nên vượng khí

Núi thiêng cảnh đẹp vững sơn hà.

Hai bên tam quan có đề đôi câu đối:

Giang sơn trung tú khí cảnh sắc tiên hương mạc thanh cao

Vân vũ thị hồng ân Nam quốc chúa linh giai nhuận trạch

Dịch nghĩa:

Sông núi tạo khí lành, cảnh sắc cõi tiên chẳng đâu bằng

Mây mưa ban ơn lớn, cõi thiêng nước Nam đều ban khắp


Qua cổng tam quan rẽ phải, du khách sẽ đến bàn thờ Sư tổ Đạt Ma. Đây là Cửa Trình để báo trình tên họ, nơi ở của khách đến thăm viếng cảnh chùa. Sư tổ Đạt Ma được coi là người truyền bá, sáng lập ra Thiền học Phật Giáo và Võ thuật Thiếu Lâm Trung Quốc.


Động thờ Phật

Động/hang thờ Phật còn gọi là hang Sáng, động dài khoảng 25m, rộng 15m. Đây chính là chùa thờ Phật do đức Nguyễn Minh Không lập vào khoảng năm 1096 – 1106. Trước cửa động là 2 Đức Hộ Pháp: Ông Khuyến Thiện và ông Trừng Ác, bên trong là điện thờ chính là ban Tam Bảo tức thờ ba pho tượng đại diện ba thời: Quá khứ, Hiện tại và Tương lai. Bên tay phải là ban Đức Thánh Hiền và bên tay trái là ban Đức Chúa Ông.


Hiện nay, các tượng thờ ở đây đều được đúc bằng đồng nguyên khối, mạ vàng. Có thể nói, không gian nơi đây vừa thiêng liêng vừa thuần khiết, là nơi mà các phật tử, chúng sinh cảm nhận rõ ràng nhất sự thánh thiện, thoát tục của cõi Phật.

Động thờ Phật
Động thờ Phật

Đền thờ thần Cao Sơn

Đi sâu vào trong hang Sáng, phía sau bàn thờ Phật, là bàn thờ thần Cao Sơn. Theo như thần phả, Cao Sơn đại vương là Lạc tướng Vũ Lâm, con thứ 17 vua Lạc Long Quân, thần đã dạy bảo và giúp đỡ người dân làm ăn sinh sống, vì vậy đã được nhân dân lập đền thờ.

Thần Cao Sơn cùng với thần Thiên Tôn và thần Quý Minh là ba vị thần trấn ngự ở ba cửa ngõ phía tây, đông và nam của Cố đô Hoa Lư, ngôi đền thần Cao Sơn hiện tại được tu tạo có kiến trúc gần giống với đền Thánh Nguyễn, cũng xây tựa lưng vào núi, có hành lang ngăn cách với thung lũng ở phía trước.


Vườn thuốc phía trước đền thờ thánh Cao Sơn

Tương truyền, đây là vườn thuốc chữa bệnh cho người dân của thiền sư Nguyễn Minh Không, được đặt tên là Sinh Dược, có nghĩa là vườn thuốc sống, vườn thuốc tự nhiên, đối lập với loại thuốc đã bào chế, sao tẩm.


Sau này, cũng có nhiều lương y đến đây tìm các cây thuốc để chữa bệnh cứu người.

Vườn thuốc có diện tích khoảng 4ha, có các loại cây thuốc quý như: sinh địa, hoài sơn, sâm bồ, ngũ da bì, đơn xương, đẳng sâm…

Bảo tháp của chùa Đền thờ thánh Nguyễn Minh Không
Bảo tháp của chùa Đền thờ thánh Nguyễn Minh Không

Đền thờ thánh Nguyễn Minh Không

Đây là ngôi đền nằm ở vị trí giữa vòng cung “tay ngai” của núi Bái Đính, một bên là động thờ Phật và thần Cao Sơn, một bên là động thờ Mẫu.


Quốc sư Nguyễn Minh Không tên tự là Nguyễn Chí Thành, sinh năm 1066 tại thôn Điềm Dương (nay là xã Gia Thắng, huyện Gia Viễn).


Ông xuất gia từ năm ông 11 tuổi, kết nghĩa anh em với Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Giác Hải. Ông được coi là thần y khi chữa bệnh “hóa hổ” cho vua Lý Thần Tông bằng thuốc Nam. Có thể nói, ông là một trong những người đầu tiên tìm ra phương pháp chữa bệnh bằng thuốc Nam. Ông mất năm 1141, thọ 76 tuổi.


Ông còn được mệnh danh là ông tổ đúc đồng, là người có công tạo nên “tứ đại thần khí” nổi tiếng thời Lý, đó là tháp Báo Thiên, chuông Quy Điền, tượng Quỳnh Lâm và vạc Phổ Minh.


Hiện nay, ông được nhiều nơi trong nước lập đền thờ. Tên tuổi của ông gắn chặt với vườn Sinh Dược tại núi Bái Đính, những huyền thoại, huyền tích về đức Thánh Nguyễn còn dày đặc ở khu núi chùa Bái Đính và các vùng phụ cận.


Thủy đình trong chùa
Thủy đình trong chùa

Động thờ Mẫu

Động này còn có tên là động/ hang Tối, thờ tam tòa Thánh Mẫu. Tại đây có 7 động nhỏ thông nhau. Giữa động có nhũ đá rủ xuống như một cây cột, gọi là “nhất trụ kình thiên” (một cột chống trời), khi gõ vào phát ra những âm thanh diệu kỳ như một cây đàn đá nhiều cung điệu.


Tục thờ Mẫu mang tính chất bản địa của người Việt Nam. Động Tối thờ thánh mẫu Liễu Hạnh, nhân vật vừa là thánh vừa là nhân, bà là Mẫu nghi thiên hạ, được mọi người biết đến với “tam sinh, tam hóa”.

Trong động Tối còn có “lối lên trời” và đường “xuống âm phủ”.


Ao Tiên

Phía trong động thờ Mẫu có một ao nhỏ, người ta gọi là Ao Tiên. Đây cũng có thể coi là điểm “tụ phúc”, vì ao được hình thành tự nhiên, nước từ nhũ đá nhỏ xuống thánh thót quanh năm nên không khi nào Ao Tiên cạn nước.

Tòan cảnh chùa nhìn trên cao
Tòan cảnh chùa nhìn trên cao

Khu núi chùa Bái Đính mới

Năm 2003, dựa trên nền tảng của ngôi chùa cổ, Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đã trùng tu và đầu tư xây dựng chùa Bái Đính mới. Hiện nay, chùa có 8 hạng mục công trình chính: Cổng Tam Quan, Hành Lang La Hán, Tháp Chuông, điện Quan Thế Âm Bồ Tát, Điện Pháp Chủ, Điện Tam Thế, Phật Di Lặc và Bảo Tháp. Với một số kỷ lục đã được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam cấp bằng xác nhận, đó là:

  • Chuông đồng lớn nhất Việt Nam (nặng 36 tấn, cao 18,25m).

  • Pho tượng Đức phật Thích Ca bằng đồng cao và nặng nhất Việt Nam (nặng 100 tấn, cao 10m).

  • Bộ tượng Tam thế bằng đồng lớn nhất Việt Nam (mỗi tượng nặng 50 tấn, cao 7,2m).

  • Chùa có Giếng Nước lớn nhất Việt Nam (đường kính 30m).

  • Tượng phật bà Quan thế âm bằng đồng lớn nhất Việt Nam (nặng 80 tấn, cao 5,4m).

  • Hành lang 500 vị La Hán nhiều nhất Việt Nam.

  • Chùa có nhiều cây bồ đề nhất Việt Nam.

  • Bộ tượng bát bộ kim cương bằng đồng nặng nhất Việt Nam (mỗi tượng nặng 4 tấn, cao 3,95m).

  • Tượng ông Khuyến Thiện và Trừ Ác bằng đồng cao và nặng nhất Việt Nam (mỗi tượng nặng 20 tấn, cao 5,2m).

  • Chùa có các bệ thờ bằng gỗ lớn nhất Việt Nam.

  • Chùa có cặp hạc bằng đồng lớn nhất Việt Nam.

  • Pho tượng Phật Di Lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á (nặng 80 tấn, cao 10m).

  • Tòa bảo tháp cao nhất Châu Á (Tòa bảo tháp thờ Phật cao nhất Châu Á) cao 99m, với 13 tầng.

Ngoài ra chùa còn có các công trình khác như: Công viên văn hóa và học viện Phật giáo, khu hồ Đàm Thị…vẫn đang được tiếp tục xây dựng.


Cổng tam quan chùa Bái Đính

Tam quan là 3 cửa, theo đạo Phật, đó là Không quan, Trung quan, Giả quan; Tam quan cũng có nghĩa là 3 cửa: cửa khổ, cửa vô thường, cửa vô ngã.


Tam quan được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ, để xây dựng tam quan, người ta đã sử dụng khoảng 550 tấn gỗ tròn. Tam quan có lối kiến trúc kiểu chồng giường, cao 16,5m, rộng 13m, dài 32m.

Phía trước tam quan, hai bên tả hữu có hai con sư tử bằng đá, là biểu hiện sức mạnh của trí tuệ. Trong trường hợp đặt trước Tam quan nó còn mang ý nghĩ kiểm soát tâm hồn kẻ hành hương.

Vào Tam quan, bên phải có đặt tượng thần Khuyến thiện, bên trái là tượng thần Trừng ác.


Bên trên tam quan có hình tượng bánh xe luân hồi, được chạm thông phong, biểu tượng sự chuyển vần không ngừng của phật pháp, của trời đất.


Ở giữa có chữ Vạn, tượng trưng của ngọn lửa tam muội (lửa thiêng). Chữ Vạn còn tượng trưng cho trí tuệ và lòng từ bi, quảng đại của đức Phật. Chữ Vạn mở rộng ra hai bên biểu thị sự vận động vô hạn của Phật lực, kéo dài tới 4 phương, mở rộng vô cùng tận.


Hành lang La Hán (La Hán đường)

Dọc hai hành lang tả, hữu đặt 500 pho tượng La Hán, chất liệu bằng đá, do các nghệ nhân làng nghề đá Ninh Vân (Hoa Lư) chế tác. Vì vậy hành lang còn gọi là La Hán đường.

La Hán đường gồm hai dãy, mỗi dãy 117 gian, dài 526m.

Hành lang La Hán
Hành lang La Hán

La Hán là các đệ tử của Phật Thích Ca, họ chưa thành Phật nên được gọi là La Hán.

Hai bên trên con đường này có rất nhiều cây mít được trồng. Trong đạo Phật, mít là Paramita. Âm Hán Việt là Ba-la-mật-đa, nghĩa là đáo bỉ ngạn (đến bờ giác ngộ). Ý nghĩa của cây mít là đại giác ngộ, đỉnh cao là giải thoát. Vì thế, cây mít là cây thiêng, gắn với Phật đạo (gỗ mít dùng làm mõ chùa, làm tượng Phật; lá mít dùng đặt oản lễ Phật…).


Tháp chuông chùa Bái Đính

Gác chuông có kiến trúc hình bát giác, có 3 tầng mái cong, chiều cao 18,25m, đường kính 17m, mang dáng dấp của bông sen. Gác chuông có một lối lên và một lối xuống.

Quả chuông đồng bên trong gác chuông nặng 36 tấn, do các nghệ nhân ở Huế đúc. Quả chuông này đã được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam cấp bằng xác nhận là quả chuông bằng đồng lớn nhất Việt Nam.

Tháp chuông trong chùa
Tháp chuông trong chùa

Điện Quan Thế Âm Bồ Tát

Đây là công trình được làm hoàn toàn bằng gỗ, khoảng 900m3 gỗ tròn đã được sử dụng làm công trình này. Điện thờ gồm 7 gian, chiều cao 14,8m, chiều rộng 16,8m, chiều dài 40,4m.


Tượng Quan Thế Âm Bồ Tát cao 5,4m, nếu tính cả bệ tượng là 9,57m; nặng 80 tấn, nếu tính cả bệ tượng là khoảng 100 tấn.


Như chúng ta đã biết, Quan Âm là vị phật đại diện cho tứ đại vô lượng tâm: đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, vì vậy, ở bất kể đâu, phật Quan Âm cũng luôn tượng trưng cho sự từ bi, cứu khổ, cứu nạn mọi chúng sinh.


Hai bên tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay còn có tượng Quan thế âm đại diện cho lòng từ bi, hỷ xả được đặt bên tay trái và bên tay phải là Đại Thế Trí Bồ tát đại diện cho trí tuệ. Hai tượng đều được làm bằng gỗ, mỗi tượng cao 10m và nặng 4 tấn.


Hình ảnh điện Tam Thế
Hình ảnh điện Tam Thế

Điện Pháp chủ chùa Bái Đính

Trước cửa điện Pháp chủ là hồ phóng sinh, diện tích khoảng 5000m2. Xung quanh hồ trồng nhiều cây bồ đề. Đây là những cây do các đồng chí lãnh đạo, các nguyên thủ quốc gia đã trồng khi về thăm chùa.


Có thể giới thiệu thêm về cây bồ đề (âm Hán Việt là Bu – đa) nghĩa là người giác ngộ. Cây bồ đề là cây thiêng gắn với đạo Phật, mang yếu tố giác ngộ nên nó được đặt ở phía ngoài.


Điện Pháp chủ được xây dựng theo kiến trúc 2 tầng 8 mái, gồm 5 gian, cao 30m, dài 44,7m, rộng 43,3m, tổng diện tích 1945m2.


Tượng Pháp chủ cao 10m, nặng 100 tấn, do các nghệ nhân làng nghề đúc đồng Ý Yên chế tác.

Bên phải của điện, là tượng ngài A-nam có chiều cao 7,2m nặng 30 tấn đồng, là 1 trong những đệ tử của Phật có tố chất thông minh và sáng dạ. Ngài là người được trực tiếp nghe nhiều giáo pháp của Phật. Bên trái là tượng Ca diếp cao 7,2m nặng 30 tấn đồng. Ngài là đầu đà tu hành “đi khất thực” nên được xưng là “ Đệ Nhất Đầu Đà”.


Hai bên điện đặt tượng Bát bộ Kim cương: Các vị này có nhiệm vụ bảo vệ phật pháp ở vòng ngoài.

Bát bộ Kim cương gồm:

Thanh Trừ Tài Kim Cương.

Tích Độc Thần Kim Cương.

Hoàng Tuỳ Cầu Kim Cương.

Bạch Tĩnh Thủy Kim Cương.

Xích Thanh Hoả Kim Cương.

Định Trừ Tai Kim Cương.

Tử Hiền Kim Cương.

Đại Thần Lực Kim Cương.


Điện Tam thế chùa Bái Đính

Điện Tam thế được xây dựng với kiến trúc 3 tầng mái, gồm 7 gian, 2 chái, với tổng cộng 66 cột lớn nhỏ đúc bê tông, ốp gỗ. Phật điện cao 34m, dài 59,10m, rộng 40,50m, diện tích lòng điện 2364m2.

Bức phù điêu đá (trước thềm tòa Tam thế) có kích thước 10m x 10m, được chạm khắc tứ linh: long, ly, quy, phượng.


Trong điện Tam thế có bộ 3 tượng đồng, do các nghệ nhân đúc đồng ở Ý Yên (Nam Định) chế tác. Mỗi pho tượng cao 7,20m, nặng 50 tấn, đặt trên bệ đá cao 1,5m.


Tam thế có nghĩa là 3 thời: quá khứ, hiện tại, tương lai. Ý nghĩa của bộ tượng này là các vị Phật của các thời luôn nối tiếp nhau để giáo hóa chúng sinh.

Vị Phật ngồi giữa là tượng hiện tại thế, còn gọi là Hiền kiếp.

Vị Phật ngồi bên trái là tượng quá khứ thế, còn gọi là Trang nghiêm kiếp.

Vị Phật ngồi bên phải là tượng vị lai thế, còn gọi là Tinh tú kiếp.


Phật Di Lặc chùa Bái Đính

Tượng Phật Di Lặc cao 10m, nặng 80 tấn đặt trên ngọn đồi. Di Lặc là biểu tượng tuyệt đối của hạnh phúc trong phong thủy, người ta tin rằng nụ cười của Phật Di Lặc xua tan buồn phiền, giận dữ của con người thành hạnh phúc, Phật tới đâu là có hạnh phúc tới đó. Đôi khi Phật mang theo quả hồ lô biểu tượng của sức khỏe và trường thọ, gậy như ý biểu tượng cho quyền lực.


Phật Di lặc và Bảo tháp
Phật Di lặc và Bảo tháp

Bảo Tháp chùa Bái Đính

Tọa lạc ở phía Tây điện Tam thế, Bảo tháp xá lợi Phật chùa Bái Đính nổi bật giữa hàng loạt công trình Phật giáo đồ sộ. Kết cấu của Bảo tháp mang đậm nét văn hóa của Việt Nam. Tháp có 13 tầng, cao 99m, chân tháp là hình lục giác kiên cố với chu vi 24m.


Bao phủ toàn bộ phần ngoài Bảo tháp là gạch nung Bát tràng với hoa văn trang trí mang phong cách nghệ thuật thời Lý như mây bay, sóng nước, cánh sen.


Xung quanh 6 cạnh là những tượng Phật nhỏ bằng đá được đặt hài hòa từ chân lên đến ngọn Tháp, tạo thêm điểm nhấn đặc biệt cho nơi đây.


Bảo tháp chùa
Bảo tháp chùa

Ngay giữa trung tâm tầng 1 của Bảo tháp chùa Bái Đính là tượng Thích ca mâu ni bằng đồng dát vàng rực rỡ, được đặt trên bệ đá xanh chạm khắc rồng, hoa sen và các linh vật một cách rất tinh xảo. Sáu mặt tường là các bức phù điêu miêu tả chân thực cuộc đời của Đức Phật kể từ khi sinh ra đến khi tu hành chính đạo.

Trên trần Bảo tháp được thiết kế theo phong cách Ấn Độ huyền bí, chạm khắc hình ảnh Đức Phật


Một số công trình khác

Sẽ được xây dựng trong tương lai gần như: thảo viên, Học viện Phật giáo, Bảo tàng Phật giáo, hồ Đàm Thị…). Đây cũng là những công trình có kiến trúc đồ sộ, hoành tráng, tạo nên một quần thể chùa Bái Đính ấn tượng, độc nhất vô nhị của Việt Nam.


Những sự kiện văn hóa

Với vai trò là một trung tâm Phật giáo, khu chùa Bái Đính là nơi diễn ra nhiều sự kiện văn hóa, chính trị lớn:

  1. Ngày 17/5/2008, chùa Bái Đính là địa điểm để đại biểu các nước tham quan, chiêm bái trong đại lễ Phật đản thế giới tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam. Trong ngày, các vị đã làm lễ hô thần nhập tượng, chính thức khánh thành giai đoạn I khu chùa.

  2. Chùa Bái Đính là nơi đón nhiều nguyên thủ quốc gia về thăm khi tới Ninh Bình: Từ cuối năm 2007 đến 2008, khi chưa khánh thành, chùa Bái Đính đã được tổng bí thư Nông Đức Mạnh, chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tới thăm và trồng cây tại lưu niệm. Ngày 28/1/2012 (tức ngày 6/1 âm lịch), Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh trống khai hội chùa Bái Đính 2012;[Ngày 29/1/2012 Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về thăm và phát động Tết trồng cây Xuân 2012.

  3. Ngày 25/6/2008 Quốc Vương Campuchia Norodom Sihamoni thăm chùa Bái Đính. Ông đã tặng chùa Bái Đính bức tượng Di đà bằng chất liệu đá Campuchia, đặt tại điện Tam Thế và trồng cây lưu niệm tại chùa. Ngày 18/1/2009 phái đoàn của chủ tịch Quốc hội Campuchia cũng đến tham quan khu chùa.

  4. Ngày 6/6/2009 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cử hành đại lễ cung nghinh ngọc xá lợi Phật về thờ tại chùa Bái Đính. Đây là sự kiện văn hóa, tôn giáo rất đặc biệt và lộ trình rước ngọc xá lợi được bảo vệ nghiêm ngặt để đưa 16 viên ngọc xá lợi Phật và xá lợi các Thánh Tăng có nguồn gốc và lịch sử lưu giữ suốt hơn 2500 năm ở nhiều quốc gia như Ấn Độ, Myanmar, Sri Lanka, Thái Lan.

  5. Ngày 3/3/2010 Chủ tịch Phật giáo thế giới ở Ấn Độ tặng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Ngọc xá lợi Phật. Đây là lần đầu tiên Giáo hội Phật giáo Việt Nam chính thức cử hành cung nghinh xá lợi Phật từ Ấn Độ về nước. Và là lần thứ hai Giáo hội Phật giáo Việt Nam chính thức tổ chức đại lễ cung nghinh Ngọc xá lợi Phật. Cả hai sự kiện đều diễn ra ở chùa Bái Đính trước sự chứng kiến của phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan.

  6. Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Thế giới lần thứ VI diễn ra tại Việt Nam vào tháng 11 năm 2010 với chủ đề chính: "Phật giáo và mối quan tâm toàn cầu". Bên cạnh đó, các đại biểu Hội nghị vào ngày 24-25/11 tham quan Vịnh Hạ Long và chùa Bái Đính.

  7. Ngày 21/8/2011, Đoàn đại biểu Quốc tế dự Đại hội Liên Hiệp UNESCO thế giới 2011 với 500 người về thăm chùa Bái Đính và thực hiện nghi lễ Phật giáo "Cầu nguyện thế giới hoà bình, cầu nguyện lý tưởng hoà bình của UNESCO trở thành hiện thực".

  8. Ngày 4/10/2012, Thủ tướng chính phủ Cộng hòa nhân dân Bangladesh, bà Sheikh Hasina-Chủ tịch Đảng liên đoàn nhân dân Bangladesh cùng đoàn đại biểu Chính phủ Bangladesh và đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh, Bộ Ngoại giao đến thăm chùa Bái Đính.

  9. Ngày 16/11/2012, từ 6h30 đến 18h30 tại chùa Bái Đính, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức lễ cầu siêu tưởng niệm nạn nhân tai nạn giao thông.

  10. Từ ngày 21-22/11/2012, Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), Bộ VHTTDL Việt Nam và ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình phối hợp tổ chức Hội nghị quốc tế về du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững tại chùa Bái Đính.

  11. Từ ngày 7-11/5/2014, Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2014 và Hội thảo Phật giáo quốc tế đã được tổ chức tại chùa Bái Đính, Ninh Bình trong 5 ngày với khoảng 10.000 người tham dự, trong đó có 1.500 lãnh đạo các giáo hội, hệ phái Phật giáo, các Giáo sư, Tiến sĩ, học giả Phật giáo cũng như các phật tử hành trì thuộc nhiều truyền thống Phật giáo đến từ khoảng 90 – 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

  12. Ngày 23/1/2015, Trung tâm hội nghị chùa Bái Đính là nơi diễn ra sự kiện đón nhận bằng của UNESCO vinh danh quần thể danh thắng Tràng An là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.

  13. Ngày 12/5/2019, Tổng thống Myanmar Win Myint cùng phu nhân và đoàn công tác đã đến thăm chùa Bái Đính Ninh Bình. Đón tiếp Tổng thống Myanmar và đoàn có đồng chí Nguyễn Thị Thanh, UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Thượng tọa Thích Minh Quang, Phó Ban trị sự Phật giáo tỉnh Ninh Bình, Phó trụ trì chùa Bái Đính; Lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, UBND tỉnh; đại diện một số sở, ngành của tỉnh Ninh Bình.


Một số hành trình du lịch thuận lợi

Trên hành trình du lịch chùa Bái Đính trong 1 ngày, bạn cũng có thể lựa chọn thêm 1 đến 2 địa điểm:

Một số gợi ý có thể đi trong ngày:

Tràng An Ninh Bình – chùa Bái Đính

Du lịch chùa – Tuyệt Tình Cốc

Du lịch chùa – hang Múa

Du lịch chùa – Tam Cốc – Bích Động

Du lịch chùa – đầm Vân Long

Du lịch chùa – Thung Nham

Du lịch chùa – rừng Cúc Phương


Xem thêm

2 lượt xem0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả
Theme-Download-CDR-01-8-1.jpg
Theme-Download-CDR-300x600.jpg
Theme-Download-CDR-336x280.jpg
Theme-Download-CDR-300x600.jpg
Theme-Download-CDR-336x280.jpg
bottom of page